GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5
Kính thưa các Thầy cô giáo và các em học sinh thân mến !
“ Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ ”.
Chắc hẳn đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, mỗi khi nhắc đến 2 tiếng thiêng liêng “Bác Hồ” thì có lẽ sẽ không ai lại không khỏi xúc động, lòng dâng trào những cảm giác khó tả. Thứ tình cảm ấy nó giống như một mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ.
Trong cuộc đời mỗi người không thể thiếu những cuốn sách gối đầu giường, những cuốn sách mang đầy ý nghĩa đã theo chúng ta suốt chặng đường đời theo năm tháng góp phần hình thành nhân cách cho mỗi con người. Còn riêng với tôi, có lẽ những câu chuyện kể về Bác là những gì mà tôi thích đọc nhất. Trong những câu chuyện viết về Bác không ai là không biết đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “ Búp sen xanh ” được viết trong khoảng từ năm 1948 đến năm 1980 của nhà văn Sơn Tùng. Cuốn sách đã khắc hoạ rõ nét cuộc đời đầy những gian truân của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ lúc mới sinh đến lúc người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Tất cả đã để lại trong tâm trí tôi những ấn tượng sâu sắc về Bác
Tên sách gợi cho chúng ta nhớ cả quãng đường đời của người - vị cha già kính yêu. Cùng đi sâu vào nội dung cuốn sách, chắc hẳn chúng ta không thể quên được những lời thoại dí dỏm của cậu bé Côn, sự tinh nghịch, sự thông minh, ham học hỏi của một đứa trẻ khiến người đọc thích thú, sự cảm thông với những kiếp người ăn xin nghèo khổ, sự trăn trở trước nỗi nước mất nhà tan để rồi quyết định ra đi tìm đường cứu nước đúng đắn,…tất cả đã khiến những người độc giả rơi nước mắt khâm phục trước Bác.
Nhà văn Sơn Tùng đã viết rất nhiều tác phẩm về Bác, mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng nhưng hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua những câu chuyện đó rất đỗi bình dị giản đơn. Tuy nhiên “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng, thành công đến thế? Tại sao vậy? Vì đơn giản rất nhiều người đã đọc và tìm hiểu nó. Có những người đọc nó để nghiên cứu, có những người đọc nó để tìm hiểu về cuộc đời của Bác,… Đọc từng trang của “Búp sen xanh” tôi tưởng tượng ra hình bóng của Bác qua những trang sách. Sự tinh nghịch của cậu bé Côn, sự uy nghiêm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành và cả quyết định sánh suốt của anh Ba khi rời quê hương đặt chân đến vùng đất lạ,…Tố chất đó đã được “Làng sen”- gia đình nuôi dưỡng tâm hồn Bác
“ Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hoi tanh mùi bùn”.
Loài hoa sen tinh khiết ví như tâm hồn Bác vậy luôn giản dị đến vô cùng “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ” quả đúng là như vậy Bác sinh ra trong thời loạn lạc nước mất nhà tan nhưng Bác không chịu đứng nhìn thực dân Pháp đày đoạ dân ta làm càn ở trên nước Nam này được và rồi Bác đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước tìm lối thoát mới cho dân tộc. Và có lẽ một băn khoan lớn nhất của độc giả là sự xuất hiện hình tượng người con gái Sài Gòn có tên là Út Huệ ở gần cuối sách. Với những tình tiết hấp dẫn như vậy sao chúng ta không một lần thử đọc và cảm nhận tác phẩm này. Nhiều năm trở lại đây cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang tiếng anh và được in song ngữ. Lang thang qua những vỉ hè những nhà sách lớn hay những quầy sách nhỏ đâu đâu ta cũng thấy cuốn sách này như một điều để nhìn thấy Bác.
“Búp sen xanh” có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp, giá trị đích thực của nó bởi trong đó có chứa đựng một tâm hồn cao cả vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.
Và cuối cùng tôi mong muốn rằng các bạn đừng quên đọc cuốn sách bổ ích này nhé. Cuốn sách Búp sen xanh hiện có trong thư viện với số ĐKCB/ 345 xin mời bạn đọc tìm đọc cuốn sách trên tại thư viện nhà trường.
Thư viện trường THCS Nam Hồng